Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo khi đi mua nhà đất lần đầu – Luật sư chia sẻ

Nhiều cụ già đã lớn tuổi dành toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời còn lại để dưỡng già và rồi giấu con cháu đi mua nhà/đất và bị lừa toàn bộ. Có nhiều cặp vợ chồng ở trọ làm việc tại thành phố tằn tiện và dành dụm gần 20 năm để đi mua nhà/đất với mục đích an cư lập nghiệp ở thành phố, rồi cũng bị lừa đảo toàn bộ và phải về quê sinh sống với hai bàn tay trắng. Đây là các trường hợp mà tôi đã từng tiếp xúc với hoàn cảnh rất bi đát và nó là động lực thôi thúc tôi (một Luật sư) phải viết bài viết này để chia sẻ cho các bạn (người không có kinh nghiệm mua nhà/đất) với mục đích giúp bạn tránh bị lừa đảo. Đặc biệt, khi bạn bị lừa đảo tiền mua nhà/đất, thì sẽ bị lừa với số tiền chục triệu, trăm triệu, tiền tỉ và nhiều tỉ, thậm chí bị lừa cả một gia tài đang có duy nhất của bạn và gia đình bạn, nên mức độ thiệt hại sẽ rất khủng khiếp, nghiêm trọng và không thể khắc phục ngay được so với các dạng lừa đảo thông thường (không phải do mua bán nhà/đất). Ngoài ra, khi bạn đã bị lừa đảo bằng các thủ đoạn mua bán nhà/đất mà tôi viết dưới đây, thì có thể bạn lại buông bỏ và không cương quyết tố cáo/khởi kiện đến cùng và đã gián tiếp giúp cho kẻ lừa đảo tiếp tục lừa đảo nhiều người khác.

Ngoài ra trong phạm vi của bài viết này tôi chỉ viết và chia sẻ về các thủ đoạn lừa đảo có tổ chức (tức của các công ty môi giới, công ty bất động sản và chủ đầu tư) – họ là những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, bất lương với các thủ đoạn lừa đảo có tổ chức và tinh vi hơn nhiều so với các cá nhân lừa đảo thông thường. Bởi vì nếu cá nhân nào lừa đảo, thì việc để lại thông tin/hình ảnh/hợp đồng và các chứng cứ khác là không tránh khỏi, khi đó bị hại sẽ dùng các chứng cứ này để tố cáo/khởi kiện. Khi đó, cơ quan điều tra hoặc Tòa án có thẩm quyền sẽ dễ dàng hơn để xác định, đánh giá và giải quyết so với lừa đảo có tổ chức thông qua pháp nhân. Tôi ví dụ nếu cá nhân mà lừa đảo bằng việc mua bán nhà/đất không chính chủ, sổ giả, nhà/đất không có thật, mua bán nhà/đất không đủ điều kiện, qua vi bằng, vẽ đất dự án trên giấy rồi bán…thì sẽ dễ dàng để lại chứng cứ và Tòa án hoặc cơ quan điều tra không quá khó để xử lý khi nhận được đơn. Nhưng đối với việc lừa đảo mua bán nhà/đất được tổ chức có quy mô lớn và núp bóng các công ty môi giới, công ty bất động sản hoặc chủ đầu tư (tôi xin gọi tắt là “công ty môi giới”), thì thủ đoạn tinh vi hơn nhiều, bởi vì mọi việc đều được lên kế hoạch và có phương án lừa đảo rất chi tiết với sự tham gia của nhiều người, nhiều thủ đoạn và lừa xong thì tìm cách thủ tiêu chứng cứ, nên rất khó để cơ quan điều tra/Tòa án xác định, đánh giá và xử lý do chứng cứ yếu hoặc không có chứng cứ hoặc không thể xác định rõ được hành vi lừa dối/lừa đảo. Do đó, tôi chỉ chia sẽ các kiến thức và kinh nghiệm trong phạm vi của các công ty mua giới/bên bán (pháp nhân) nói chung với các thủ đoạn rất tinh vi ở cấp độ cao nhất cho các bạn biết trước khi các bạn đi mua nhà/đất, cụ thể như sau:

Thực tế phũ phàng là mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người mua nhà/đất vẫn bị các công ty môi giới/bên bán lừa dối (bẫy) khi mua nhà/đất không pháp lý, không chính chủ, không biết nhà/đất ở đâu, nhà/đất không sổ, không thửa/không tờ bản đồ/không địa chỉ, nhà/đất đang thế chấp và đặc biệt là mua nhà/đất không đúng giá trị thực của nó/bị thổi giá, nên phải mất trắng số tiền đã đặt cọc/thanh toán mà không làm gì được. Vậy lý do tại sao và nguyên nhân là gì?

Tại vì công ty môi giới/bên bán đất đã sử dụng hàng loạt các thủ đoạn rất tinh vi để bẫy người mua nhà/đất. Theo cá nhân tôi từng trải nghiệm và tìm hiểu trong quá trình tư vấn và xử lý cho khách hàng, thì ít nhất có 6 thủ đoạn/phương thức rất cơ bản mà các công ty này lừa đảo bao gồm: (1) Dùng thông tin quảng cáo gian dối/sai sự thật để tiếp cận bằng được người có nhu cầu mua nhà/đất; (2) Sử dụng chim mồi để bẫy người mua nhà/đất; (3) Cố tình đưa ra lời hứa hoặc cam kết thực hiện để thu hút bên mua chốt cọc/xuống tiền nhưng không thực hiện; (4) Cố ý tạo ra tình huống, thông tin và quà vật chất nhắm vào lòng tham, hám lợi của người mua nhà/đất và thổi phồng lợi nhuận ảo; (5) Dụ bằng mọi cách xuống tiền trước, rồi ép ký hợp đồng/thỏa thuận với nhiều nội dung cài/cắm gây bất lợi cho người mua theo kiểu bút sa gà chết, bẫy bằng văn bản/hợp đồng; (6) Tìm mọi cách để bẫy và đổ lỗi cho người mua nhà/đất vi phạm hợp đồng/thỏa thuận đã ký và chiếm luôn số tiền cọc/tiền đã thanh toán.

Lưu ý là bên môi giới/bên bán có thể chỉ cần sử dụng một hoặc kết hợp một số thủ đoạn mà không nhất thiết phải áp dụng theo thứ tự từ 1 đến 6 như nêu trên để lừa đảo và có thể họ không cần phải sử dụng đủ cả 6 thủ đoạn này mới lừa được bạn. Dùng thủ đoạn nào và kết hợp thế nào phụ thuộc vào việc họ nghiên cứu và tìm hiểu bạn (con mồi) trước. Vậy thì các thủ đoạn này được thực hiện như thế nào?

Thủ đoạn 1: Dùng nhiều thông tin quảng cáo gian dối/sai sự thật để tiếp cận bằng được người có nhu cầu mua nhà/đất

Các thông tin quảng cáo gian dối/sai sự thật mà các công ty môi giới/bên bán thường sử dụng hằng ngày mà ít nhất ai trong chúng ta cũng thấy hoặc chủ động tiếp cận hoặc bị tiếp cận gồm:

(1)  Phát tờ rơi, treo bảng/băng rôn ngoài đường hoặc tại dự án với thông tin sai sự thật nhưng có nội dung rất thu hút

Thực tế mỗi ngày đi đường chúng ta thấy từ đường chính đến các ngõ hẻm với nhiều bảng viết tay hoặc bảng giấy in dán hoặc được phát tờ rơi tại ngã ba/tư rất nhiều các loại thông tin quảng cáo nào là “Cần tiền bán gấp đất ở tại … 5×20 giá …. triệu, liên hệ….” hay là ‘ngân hàng thanh lý gấp đất/nhà 4×15, giá ….’ Hoặc “nhà ở xã hội giá …liên hệ….”. Hay tại một đoạn đường hoặc khu dự án đã xong hạ tầng có vài bảng hiệu/băng rôn được kéo ra với bàn làm việc có ghế ngồi để gây chú ý và chào bán nhà/đất với nội dung ví dụ như “nhà/đất dự án….giá rẻ…” và làm cho nhiều người đi đường nghĩ là họ đang bán dự án này nọ với giá rẻ và tưởng thông tin trên quảng cáo là thật, nên ghé vào hỏi thăm hoặc chủ động liên hệ qua điện thoại. Cách thức này gần như tiếp cận được mọi tầng lớp và đặc biệt là tầng lớp không rành về internet, công nghệ và phải làm việc/đi lại nhiều ngoài đường, nhưng họ không biết rằng chiếm phần lớn thông tin quảng cáo này là sai sự thật/gian dối.

(2)  Đăng thông tin ảo, hình ảnh, vị trí không có thật trên các website/trang mạng mua bán bất động sản và website các loại có chạy quảng cáo

Nhiều người có nhu cầu mua đất và biết sử dụng điện thoại, máy tính và internet, thì khi mua đất thường có thói quen và tìm trên google, rồi truy cập vào các website mua bán bất động sản. Nhưng họ không hiểu được rằng gần như 70% đến 80% thông tin đăng trên các website về mua bán bất động sản này là ảo (dựa theo đánh giá chủ quan của tôi). Nghĩa là thông tin về địa chỉ, vị trí, hình ảnh và giá bán nhà/đất rất thu hút nhưng có thể là hoàn toàn không có thật và mục đích đăng quảng cáo ảo này là chỉ nhằm tiếp cận/tìm kiếm khách hàng đang có nhu cầu mua nhà/đất. Để minh chứng điều này, thì tôi từng theo dõi và thấy rất nhiều người môi giới nhà/đất vẫn dùng một vài cuốn sổ đỏ giấu tên chủ sở hữu, vài hình ảnh đẹp và đặt vị trí/giá cả nhà/đất rất thu hút để đăng liên tục nhiều năm/tháng trong nhiều website bất động sản, nhìn vào tưởng thông tin thật ngay. Còn đối với các website/hình ảnh quảng cáo khác, thì thường đăng giá dự kiến, bản vẽ và hình ảnh dự án/khu đất rất đẹp như nhà/đất phân lô hoặc xây sẵn đã xong hạ tầng, có hồ bơi, cây xanh, hướng đẹp….và mọi nội dung đều rất thu hút (mà tôi thường gọi là nhà/đất trong tưởng tượng và trên cung trăng nếu chỉ nhìn bản vẽ quảng cáo). Đặc biệt, số lượng các môi giới đăng/quảng cáo như thế này rất đông, chiếm lĩnh hầu hết các website/tin quảng cáo mua bán bất động sản hiện nay trên google và internet.

Hơn nữa với sự bùng nổ của các công cụ quảng cáo hiện nay, thì gần như ai có tiền thì đều có thể quảng cáo và cập nhật (updated) liên tục để được lên trang đầu/trang nhất/ưu tiên trên google hoặc trên các website mua bán bất động sản. Thậm chí một người dùng nhiều tài khoản và được updated liên tục trong ngày, nên gần như các website/tin quảng cáo mua bán bất động sản trên internet đều là sân chơi chính của các môi giới/công ty môi giới bất động sản, không phải là sân chơi của những người có nhu cầu mua bán nhà/đất thật sự để có thể đăng tin dễ dàng. Còn nếu họ có đăng tin, thì lập tức chỉ trong vài phút/giờ bài đăng tin sẽ bị trôi đi và không còn thấy trên website/tin quảng cáo mua bán bất động sản nữa, vì tài khoản của họ không được ưu tiên. Do vậy, nếu có người liên hệ với người đăng tin bài mua bán thật sự, thì chiếm phần lớn cũng là người môi giới liên hệ để chốt phí môi giới và nắm nhu cầu. Đây chính là lý do khiến tôi cho rằng phần lớn các thông tin mua bán bất động sản được đăng trên internet/website thường là ảo và không có thật, bạn càng tin thì bạn càng mất thời gian và càng vội vàng thì càng dễ bị dính bẫy. Vì vậy, khi bạn tìm nhà/đất trên internet, thì bạn phải dành thời gian nhiều để tìm hiểu và phải chọn lọc thật kỹ.

(3)  Chạy quảng cáo không đúng sự thật trên mạng xã hội và báo chí chính thống

Hàng ngày chúng ta thấy trên các mạng xã hội như facebook, zalo, messenger,…cả ở trên báo chí chính thống được in giấy hoặc được đăng trên báo điện tử (online) với thông tin dày đặc các nội dung quảng cáo rất thu hút như “Dự án A, B, C…căn nhà/khu/lô đất đẹp….. giá…, ví trí tốt, sinh lời cao, giá rẻ … ngân hàng cho vay 70%,… kèm hình ảnh sinh động,…”. Nhưng sự thật rằng để tìm được một mẫu tin đăng đúng sự thật và chính chủ thì không nhiều và rất thượng vàng hạ cám. Nên nếu bạn đọc xong mà tin ngay và nghĩ rằng thông tin/quảng cáo được đăng trên báo chí chính thống đó là thật, rồi liên hệ luôn mà không đánh giá kỹ lưỡng, thì bạn còn rất nghiệp dư và rất dễ bị cắn câu khi người đăng tin/quảng cáo tiếp xúc được bạn hoặc biết được bạn đang có nhu cầu mua nhà/đất.

(4)   Gọi điện/nhắn tin tiếp cận bạn giả danh người/tổ chức có uy tín/chính chủ bán nhà/đất như người bên ngân hàng, chủ đầu tư, tổ chức có uy tín

Khi các môi giới có số điện thoại của bạn, thì họ sẽ điện thoại hoặc nhắn tin tiếp cận, một người môi giới biết bạn có nhu cầu mua nhà/đất, thì sẽ có hàng trăm người khác biết. Cứ như thế nào là “bên em là ngân hàng…., là Vinhome…, là Công ty…, là sàn….có căn nhà/khu đất…giá rẻ anh chị quan tâm không…”. Bằng nhiều lời nói/nội dung rất có cánh sẽ thôi thúc bạn nếu bạn có nhu cầu mua nhà/đất thật sự. Cứ như thế chỉ cần bạn thể hiện sự quan tâm hay nói chuyện nhiều với họ, thì bạn sẽ bị ru ngủ hoặc cắn câu lúc nào không biết.

Như vậy, đặc điểm chung của tất cả các phương thức quảng cáo/tiếp cận trên là đều có nội dung mua bán nhà/đất giá rẻ, nội dung giống thật, giống chính chủ bán nhà/đất và rất thu hút để lôi kéo khách hàng tin 100% là thật. Nhưng khi bạn tưởng thật và liên hệ tới, thì ngay lập tức nhận được câu trả lời đại loại như “chủ đất đã bán rồi, có lô đất/nhà khác tương tự…anh chị đi xem không… nhu cầu anh/chị thế nào….số tiền đầu tư tầm bao nhiêu… Hoặc là mời anh chị ghé công ty em để em tư vấn và để em dẫn đi xem dự án/đất/nhà …hoặc hẹn anh chị lúc…tại…để đi xem…”, còn rất hiếm trường hợp bạn gặp được chính chủ và họ có nhu cầu mua bán nhà/đất thật sự.

Khi bạn liên hệ, trao đổi và thể hiện sự quan tâm và cắn câu, thì bạn đã giúp bên môi giới đạt được mục đích đầu tiên của họ. Mục tiêu đầu tiên của các môi giới là tìm được người đang có nhu cầu mua nhà/đất thật sự, tiếp cận ban đầu để nắm bắt được nhu cầu cụ thể của từng người và đặc biệt là nắm được dữ liệu (data khách hàng) của càng nhiều người có nhu cầu mua nhà/đất càng tốt để lên kế hoạch giăng lưới từng người hoặc quăng chài một lượt để bắt cá với kế hoạch rất tinh vi và chi tiết hơn như bên dưới.

Còn dấu hiệu để bạn nhận biết sớm nhất dấu hiệu lừa đảo từ thời điểm này gồm: Đăng thông tin mua bán nhà/đất ví dụ ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng bằng mọi cách nào đó sẽ đưa bạn đi Đồng Nai, Long An, Tây Ninh hoặc Vũng Tàu để xem đất, sẽ có nhiều người được hẹn chung một ngày cùng lên xe buýt lớn đi xem đất như bạn, hoặc bạn được hẹn đến tại một khu vực/địa điểm đã được chuẩn bị sẵn để chuẩn bị hô hào mở bán, hoặc nói bạn chuyển tiền trước một ít rồi mới đưa bạn đi xem nhà/đất hoặc mới cung cấp thông tin pháp lý về nhà/lô đất (dụ với lời lẽ là anh/chị không ưng/không mua, thì công ty sẽ hoàn lại tiền ngay); và theo tôi khi bạn tiếp xúc với họ lần đầu, chỉ cần bạn đánh giá rằng họ đã cung cấp thông tin không đúng như nội dung đăng tin/quảng cáo, thì tôi khuyên bạn nên tránh xa những người/công ty đang tiếp cận bạn này ngay, bởi vì ngay từ đầu họ đã không thành thật, nên càng tiếp xúc thì bạn sẽ có nguy cơ bị lừa.

Với các thủ đoạn đăng thông tin sai sự thật/gian dối trên, thì những người mua nhà/đất có nhiều kinh nghiệm, nắm rõ giá cả thị trường từng khu vực và có kiến thức xã hội vững, đặc biệt là kiến thức pháp lý, thì gần như họ không thể bị lừa. Còn với những anh/chị nông dân/công nhân hoặc nhân viên văn phòng ít kiến thức pháp lý/xã hội, những người lần đầu đi mua nhà/đất và những người nhẹ dạ cả tin, thì tưởng nội dung đăng tin/quảng cáo là thật và khi tiếp xúc, họ thấy người nào chân chất/thật thà, thì gần như nhiều khả năng người đó sẽ bị gi ăng bẫy, bị lừa đảo và bị chiếm đoạt tiền với các thủ đoạn tiếp theo tinh vi hơn như bên dưới.

Thủ đoạn 2: Sử dụng chim mồi để bẫy người mua nhà/đất

Để biết về thủ đoạn này, thì trước hết các bạn phải hiểu chim mồi trong thương vụ mua bán bất động sản là gì? Tôi tạm thời định nghĩa rằng “chim mồi trong các thương vụ mua bán bất động sản là những người được bên môi giới hoặc bên mua hoặc bên bán thuê/nhờ/yêu cầu hoặc được cài vào để tạo ra những tình huống/sự việc/sự vật và con người không đúng sự thật khách quan nhằm để tiếp cận, thôi thúc và tác động đến người có nhu cầu mua hoặc bán nhà/đất thực sự để khiến họ phải mua/bán hoặc ký hợp đồng theo ý chí mong muốn của bên sử dụng chim mồi”. Thực tế, các công ty môi giới bất động sản thường là bên sử dụng chim mồi nhiều nhất và thường xuyên nhất bởi vì họ có đông nhân viên, có nhiều người và có đủ nhân lực/vật lực và phương tiện để thực hiện.

Những người chim mồi này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong quá trình bạn làm việc với bên môi giới hoặc bên mua/bán. Vậy thì họ có thể là ai? Họ có thể là những người bạn gặp ngay khi bạn đến công ty môi giới/bên bán và họ vờ là người đang có nhu cầu giống bạn, họ có thể là người đang đóng giả là người đang được bên công ty môi giới/bên bán tư vấn tại công ty đó hoặc họ có thể chính là người đang ngồi chung xe với bạn khi bạn đang được công ty môi giới chở đi xem nhà/đất hoặc họ có thể xuất hiện trong một phòng/khu đất mà việc tổ chức bán nhà/đất đang diễn ra, rồi họ sẽ tiếp cận bạn hoặc họ có thể là những người xuống tiền cọc/thanh toán ngay lúc bên bán mở bán/yêu cầu thanh toán/đặt cọc mà không nghĩ ngợi gì và họ cố ý để cho bạn thấy hoặc họ có thể đến nhà bạn giả vờ mua/vờ bán để ép giá hoặc để đẩy giá hoặc họ có thể đang ngồi trong quán cà phê hoặc cố ý đứng/ngồi gần bạn rồi tiếp cận bạn trong quá trình xem đất/lúc mua/bán,…nói chung chim mồi xuất hiện bất kể chỗ nào tùy vào diễn xuất của mỗi người chim mồi miễn là họ có thể tiếp cận và nói chuyện được với bạn hoặc họ cố ý để cho bạn thấy hành động của họ mà thôi thúc bạn thực hiện giống họ hoặc làm theo ý đồ của họ.

Vậy thì làm sao bạn có thể nhận biết được người chim mồi? theo tôi các dấu hiệu cơ bản để bạn nhận biết được người chim mồi là: (1) Bằng cách nào đó họ sẽ tìm cách hỏi han, mở lời và tiếp cận bạn trước để cố tình làm quen, thân thiện và hiểu rõ nhu cầu của bạn; (2) Khi nói chuyện họ thường nói tốt về khu đất/bên môi giới/chủ đầu tư uy tín, thể hiện họ hoặc người nhà họ đã đầu tư/làm việc với bên đơn vị này nhiều lần rồi, sinh lời rồi để bạn yên tâm; (3) Khi bạn thể hiện sự quan ngại/lo lắng về pháp lý nhà/đất hoặc chưa đủ tiền mua, thì chính họ sẽ tư vấn hoặc nhờ người khác tư vấn thêm cho bạn tin tưởng là nhà/đất  này đầy đủ pháp lý (ví dụ: Họ nói họ là phóng viên/người nhà của luật sư/cán bộ nhà nước/doanh nhân thành đạt đã tìm hiểu kỹ pháp lý, …), rồi đưa cho bạn xem qua các hình ảnh của họ này kia để bạn tin hoặc thậm chí họ nhờ người khác nói chuyện với bạn qua điện thoại để bạn yên tâm hoặc có trường hợp chính họ sẽ cho bạn mượn tiền để xuống tiền cọc/thanh toán, rồi họ sẽ theo bạn đến ngân hàng rút tiền để trả cho họ luôn…. Theo đó bằng mọi cách, họ sẽ tìm cách làm giảm sự lo lắng/rào cản của bạn để thôi thúc bạn xuống tiền/đặt cọc; (4) Chính họ sẽ thanh toán/chuyển tiền/ký hợp đồng trước hoặc diễn tốt việc ký hợp đồng/chốt cọc cho bạn thấy khiến bạn sốt sắng tưởng thật, tưởng rằng là cơ hội duy nhất hoặc họ sẽ cho bạn thấy hợp đồng/văn bản/phiếu thu hoặc sao kê ngân hàng của họ đã thanh toán/chuyển tiền để bạn tin tưởng mà làm theo họ hoặc nghe theo lời khuyên của họ, nên chính họ thôi thúc bạn xuống tiền/chốt cọc/ký kết hợp đồng; (5) Khi bạn xuống tiền, chốt cọc và ký hợp đồng rồi, thì họ sẽ chặn số điện thoại/liên lạc và biến khỏi cuộc đời của bạn.

Nếu diễn xuất của người chim mồi giỏi, thì 100% bạn sẽ cắn câu, nhưng thực tế có thể lúc đó bạn không thể biết được bạn đã bị chim mồi dụ dỗ/bẫy, bởi vì trong hàng chục và hàng trăm người đang hô hào xuống tiền và tranh nhau đặt cọc/giữ chỗ trong một cuộc tổ chức mở bán tại đâu đó, thì chỉ có vài người là khách hàng thật, còn lại là người chim mồi của bên mở bán, dùng chim mồi vờ nhiều người tranh mua nhà/đất để đẩy giá lên, trong hàng chục người trên một xe buýt, thì chỉ có vài người là khách hàng thật và có thể được bố trí ngồi cách xa nhau, còn lại là người chim mồi đang ngồi bên bạn trong chiếc xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ, thì có thể chỉ có mình bạn là khách hàng thật, còn lại là người chim mồi đóng giả khách hàng như bạn trong một quán cà phê, tại khu đất hoặc trên công ty nơi họ hẹn bạn, thì chỉ có bạn hoặc vài người là khách hàng thật, còn lại là người chim mồi (người của bên bán). Đó là sự thật về người chim mồi, nên nếu bạn không tỉnh táo, thì rất khó để bạn có thể thoát ra khỏi chim mồi được, thậm chí nhiều người bị lừa tiền mua nhà/đất rồi, thì lại cho rằng mình bị uống phải thuốc mê hoặc bị thôi miên, nên mới bị lừa, nhưng thực tế là bị chim mồi dụ dỗ và bị tâm lý đánh vào lòng tham, cám dỗ và ham lợi nhuận thôi thúc.

Vậy câu hỏi là làm thế nào để bạn có thể nhận biết (test) để phát hiện ra người chim mồi? Theo tôi, nếu bạn khéo léo thì hãy thử hỏi họ và xin họ cung cấp cho bạn hoặc cho bạn chụp hình ảnh của họ, số điện thoại của họ, CMND/CCCD của họ, số tài khoản ngân hàng và địa chỉ họ đang sinh sống thực tế/nơi làm việc. Nếu họ vui vẻ cung cấp ngay và không phản ứng gì, thậm chí cho bạn chụp hình chung làm kỷ niệm, thì có thể họ không phải là chim mồi. Nhưng khi bạn được cung cấp đủ thông tin bạn muốn, thì bạn vẫn nên dùng hiểu biết và kiến thức của mình để kiểm chứng xem thông tin mà họ cung cấp là thật hay không? Còn nếu họ có các dấu hiệu là chim mồi như tôi nêu trên và họ phớt lờ và phản ứng mạnh với yêu cầu cung cấp thông tin của bạn, thì họ có thể là chim mồi. Bởi vì là chim mồi, thì thường họ sẽ dấu thông tin cá nhân vì họ không muốn họ bị phát hiện, bị thu thập đủ bằng chứng/thông tin/hình ảnh thể hiện họ là người giúp sức tích cực cho việc lừa dối/lừa đảo (là chim mồi) khi Cơ quan điều tra/Tòa án vào cuộc xử lý theo đơn. Họ cũng không muốn phải lên mặt báo, rồi bị chấm dứt diễn xuất và mất uy tín/thù lao ngay. Thực tế những khách hàng điện thoại cho tôi để nhờ tư vấn, thì có đến 2/3 trong số họ đều bị bẫy bởi chim mồi. Có người sau khi xuống tiền và ký hợp đồng xong, thì về nhà tìm hiểu kỹ, tra thông tin và xâu chuỗi sự kiện, thì mới biết mình bị bẫy bởi chim mồi, có người thậm chí gặp Luật sư tư vấn rồi thì mới biết mình bị bẫy/dụ bởi người chim mồi, nên đã chủ quan không thể thu thập được bất kỳ thông tin gì về người chim mồi này.

Thực tế, khi mua bán nhà/đất thông thường, không ít bên mua/bên môi giới dùng nhiều chim mồi đến gặp bên bán nhưng vờ là người có nhu cầu mua nhà/đất để chê bai nhà/đất đó rồi vờ trả giá và ép giá xuống thấp nhất có thể nhằm giúp người mua để mua được nhà/đất với giá rẻ nhất. Còn bên bán khi đang sở hữu/nắm giữ nhiều nhà/đất ở khu vực nào đó, thì cũng sử dụng rất nhiều chim mồi (thậm chí hàng trăm chim mồi) để đến khu vực đó vờ hỏi mua nhà/đất với giá cao rồi đặt cọc/ký hợp đồng công chứng giả tạo/giả cách với giá rất cao nhưng thực tế bên mua và bên bán là một bên, nên không có việc giao tiền thực tế diễn ra hoặc có giao tiền nhưng chỉ là diễn với nhau, để rồi nhằm tạo ra mặt bằng giá mới cho khu vực đó, tạo cung cầu nhà/đất ảo, tạo sốt nhà/đất ảo cho khu vực này, rồi để thu hút người khác và nhóm người có nhu cầu mua nhà/đất thật sự xuống tiền mua đất lướt sóng với giá cao đúng ý đồ của người sử dụng chim mồi, rồi khi bán hết đất họ sẽ rút đi để lại thiệt hại cho người mua sau. Với tôi thì tôi hiểu tất cả các thủ đoạn về chim mồi trong các thương vụ bất động sản là như vậy, còn bạn có biết các thủ đoạn khác nào không?

Thủ đoạn 3: Cố tình đưa ra lời hứa hoặc cam kết thực hiện để thu hút bên mua chốt cọc/xuống tiền nhưng không thực hiện

Khi tiếp cận được khách hàng và để thuyết phục bên mua chốt cọc/xuống tiền, thì nhiều công ty môi giới hoặc bên bán thường dùng thủ đoạn hứa hẹn và cam kết. Đây là thủ đoạn dễ nhất và nhắm vào người nhẹ dạ cả tin. Hứa và cam kết được hiểu là những lời lẽ/nội dung khẳng định rằng bên môi giới/bên bán sẽ làm đúng và thực hiện đầy đủ các việc/vấn đề gì đó mà họ đã nói ra (khẳng định) hoặc cam kết thực hiện với bên mua và thường lấy uy tín để làm tin. Hứa và cam kết có thể là bằng lời nói hoặc bằng văn bản được đóng dấu công ty. Việc hứa và cam kết cũng có thể được một nhân viên bán hàng hoặc được một nhóm nhân viên, một vị trưởng nhóm, trưởng phòng nói rõ và công khai với bên mua/bên xuống tiền hoặc được Công ty ký cam kết bằng văn bản có đóng dấu của Công ty. Lời hứa và cam kết càng hay, càng rõ và càng chắc, thì càng làm cho bạn/bên mua thôi thúc và tin tưởng chốt cọc/xuống tiền hoặc ký hợp đồng/thỏa thuận.

Còn về nội dung của lời hứa và cam kết này có thể là “đầu tư trong 2 tháng công ty cam kết bán lại lời 30%; …được ngân hàng cho vay 70% giá trị bất động sản nếu khách không đủ tiền mua,..; có ngân hàng bảo lãnh, nên hồ sơ pháp lý đầy đủ…; đưa mẫu thỏa thuận ký gửi bán lại có sẵn nội dung cam kết lời 20% với thời gian rất ngắn là…..; Công ty cam kết mua lại trong …tháng với số tiền lời là….;  đến tháng…..thì công ty sẽ thanh lý hợp đồng/văn bản cho khách hàng nếu khách hàng không bán lại được và công ty sẽ hoàn lại với số tiền lời là ….; cháu hứa với cô cháu sẽ bán lại được cho cô trong vòng….chỉ sợ lúc đó vì còn khả năng sinh lời nên cô không bán lại thôi,….” rồi còn rất nhiều nội dung mang tên họ hứa và cam kết khác nữa nhằm gieo niềm hi vọng sinh lời cao, thôi thúc bạn xuống tiền/chốt cọc hoặc ký hợp đồng.

Đặc biệt với thủ đoạn tinh vi hơn là “bỏ con tép bắt con tôm”, thì nhiều công ty môi giới/bên bán sẽ thực hiện đúng cam kết một hoặc hai lần đầu với giá trị bất động sản thấp và cố tình để cho khách hàng có một ít lợi nhuận trong thời gian ngắn trước. Rồi dụ khách hàng bằng một dự án lớn, đề xuất xuống tiền/chốt cọc với số tiền rất lớn hoặc mua cùng lúc nhiều lô nhà/đất. Thế rồi kẻ lừa đảo luôn luôn dùng thủ đoạn gian dối và mồi câu tốt nhất.

Nhưng chính những lời hứa/cam kết hoặc niềm tin ban đầu này đã thôi thúc người mua xuống tiền đặt cọc/giữ chỗ và ký hợp đồng mua bán mà bất chấp nhà/đất có đảm bảo pháp lý hay không, có mua đúng giá trị thực tế hay không, bên hứa/cam kết có thực hiện được hay không, nếu không thì lấy gì đảm bảo sẽ thực hiện được … Có thể lúc đó người mua chỉ nghĩ đến khoản lợi nhuận, nên nhắm mắt làm liều và nghĩ đơn giản là chỉ lướt sóng kiếm lời trong thời gian ngắn mà thôi.

Kết quả là những lời nói, lời hứa và nội dung cam kết này chỉ là lời của gió và lời của chú cuội trên cung trăng, bởi vì khi đến thời hạn thực hiện lời hứa/cam kết thì “cuộc gọi của bạn không liên hệ được”, khi đến công ty thì được biết “nhân viên bán hàng cho anh/chị thì đã nghỉ việc rồi, hợp đồng ký gửi này công ty không biết,…., công ty đang khó khăn hoặc trường hợp này rơi vào trường hợp bất khả kháng,… hợp đồng này vô hiệu và yêu cầu bên mua kiện ra tòa án,…” và Công ty đã đưa ra hàng trăm lý do khác để không thực hiện đúng lời hứa/cam kết này. Thậm chí có Công ty mặc dù đã sai/có vi phạm nhưng vẫn khẳng định ngược lại rằng chính khách hàng đã vi phạm hợp đồng/văn bản trước và đổ lỗi cho khách hàng, rồi thậm chí còn thách thức khách hàng mời luật sư, đưa ra pháp luật,…; nên chứng tỏ thủ đoạn hứa và cam kết rất dễ làm nhưng cũng rất lợi hại.

Thủ đoạn 4: Cố ý tạo ra tình huống/sự kiện, thông tin và quà vật chất nhắm vào lòng tham, hám lợi của người mua nhà/đất và thổi phồng lợi nhuận ảo

Những từ ngữ tôi thường được nghe khách hàng kể lại rằng: “Dự án/khu đất này là có một không hai,.. mấy tháng nữa ra sổ….,chúng tôi độc quyền môi giới….dự án này có ví trí trí đắc địa,…khả năng sinh lời cao,….cơ hội này chỉ rành riêng cho các khách hàng có mặt hôm nay,.. hôm nay công ty tổ chức mở bán và cho khách hàng bốc thăm trúng thưởng nhận quà lớn… chiết khấu lên tới…%, chiết khấu/tặng…chỉ/cây vàng,…, chỉ còn 1 lô/căn duy nhất chiết khấu lên đến…, có tới .. khách hàng cùng tranh nhau mua lô/căn… vừa mua đã có khách hàng mua lại với giá….lời…., chỉ còn 3 suất nội bộ….mua nhanh kẻo hết,…chủ đầu tư đang khuyến mãi cho …khách hàng đầu tiên,…sau…năm lợi nhuận là …%” và còn nhiều nội dung nữa chủ yếu đánh vào lòng tham và hám lợi quà vật chất từ khách hàng. Đặc biệt là những từ ngữ thổi phồng về lợi nhuận rất ảo. Chính những từ ngữ và sự kiện/tình huống này được bên môi giới/bên mở bán nói/trình bày rất có kịch bản có thể là trong quán café, tại công ty môi giới, trên xe đi coi đất, tại một khu đất/phòng rộng hoặc một khu vực nhất định được xác định cụ thể, cộng với thủ đoạn chim mồi nữa, thì thường nhiều người vẫn tin là có thật và bị bẫy. Đặc biệt là những nội dung này khi nào nói, ai nói và nói tại đâu, thì công ty môi giới/bên bán đã phân vai rất cụ thể cho từng người, gồm có cả người chim mồi, nhân viên hỗ trợ, MC,… theo với kịch bản và có kế hoạch từ trước. Còn tất cả buổi biểu diễn sẽ được chỉ đạo, bàn bạc và thảo luận cụ thể trong một group nội bộ được bên công ty môi giới/bên bán lập bằng zalo/facebook,viber…(mạng xã hội).

Vậy đó, nếu bạn rơi vào hoàn cảnh/tình huống này, thì liệu bạn có bị thôi thúc xuống tiền không/có hám lợi nhuận không? Có kìm hãm được ham muốn nhận được chiết khấu vàng, trúng xe, máy lạnh,…không? Nhưng bạn không biết rằng thực sự rất khó để bạn có thể nhận được những thứ quà vật chất này. Bởi vì ông trời không cho ai không thứ gì cả và khi bạn nhận được, thì những thứ này cũng được trừ vào giá nhà/đất mà bạn đã xuống tiền để mua và trừ vào giá trị nhà/đất mà đã bị công ty môi giới/bên bán đẩy lên gấp nhiều lần hoặc rất cao không đúng giá trị thực tế để bù vào chiết khấu và các món quà này. Cuối cùng nếu bạn xuống tiền/chốt cọc, thì lúc đó chính bạn đã chiết khấu và dùng tiền mua nhà/đất ảo/vướng pháp lý hoặc mua với giá rất cao/hớ của mình để mua quà cho chính mình, còn bên bán/công ty môi giới không mất gì cả mà họ chỉ diễn xuất thôi.

Thủ đoạn 5: Dụ bằng mọi cách xuống tiền trước, rồi ép/dụ ký hợp đồng/thỏa thuận với nhiều nội dung cài/cắm gây bất lợi cho người mua theo kiểu bút sa gà chết, bẫy bằng văn bản/hợp đồng

Tôi chưa nói đến tính pháp lý của dự án/nhà/đất thế nào, nhưng nếu bạn xuống tiền trước, rồi ký hợp đồng/thỏa thuận sau là bạn ngay lập tức bị vào tròng (bẫy), lý do tại sao?

Bởi vì quy trình chuẩn của một giao dịch mua bán bất động sản, thì bắt buộc phải ký hợp đồng hoặc có một thỏa thuận trước bằng văn bản rồi mới đến bước thực hiện, khi thực hiện thì mới đến khâu thanh toán, công chứng, bàn giao tài sản, đăng bộ/sang tên…; Trong đó ký hợp đồng có thể là hợp đồng/thỏa thuận đặt cọc trước rồi đến bước ký hợp đồng mua bán/chuyển nhượng sau hoặc là ký luôn hợp đồng mua bán/chuyển nhượng (không cần qua bước đặt cọc). Như vậy, diễn giải dễ hiểu hơn là ký trước chuyển tiền sau, còn nếu bạn chuyển tiền trước ký sau là làm ngược quy trình và có để đang bị bẫy.

Còn trường hợp nếu bên môi giới hoặc bên bán cho bạn ký các dạng văn bản khác mà không phải là dạng văn bản đặt cọc hoặc hợp đồng mua bán nhà/đất như thỏa thuận/hợp đồng giữ chỗ/đặt chỗ, hợp đồng tư vấn/thiện chí, phiếu..…tự nguyện nộp tiền/tìm hiểu nguyện vọng….có nội dung để họ thu trước một ít tiền, rồi họ nói bạn chuyển trước một số tiền cho họ, thì bạn đang có dấu hiệu bị lừa đảo số tiền này. Do vậy, nếu bạn đi ngược quy trình là chuyển trước một khoản tiền hoặc chuyển tiền theo các văn bản/thỏa thuận giữ chỗ/thiện chí,… như trên mà không phải là hợp đồng đặt cọc/mua bán. Rồi bạn sau đó mới ký hợp đồng/thỏa thuận cọc hoặc hợp đồng mua bán, thì bạn đã có dấu hiệu đã bị bẫy (lừa) theo kiểu “tiền vào tay ông khó đòi và bút sa gà chết” và bị bẫy theo từng bước rồi.

Nghĩa là nếu bạn chưa ký bất cứ thỏa thuận/văn bản nào mà đã chuyển tiền cho họ rồi là bạn đã bị bẫy để chuyển tiền (bẫy 1); còn nếu bạn đã ký các dạng văn bản giữ chỗ, thiện chí, phiếu…có nội dung chuyển tiền trước cho họ một ít, rồi bạn chuyển tiền trước cho họ đúng theo các văn bản này, thì chính các văn bản này sẽ có nội dung bẫy bạn mà có thể bạn không biết (bẫy 2); và khi bạn đã chuyển tiền vào rồi thì các văn bản/thỏa thuận này sẽ có hiệu lực ràng buộc ngay với nội dung buộc bạn phải ký thỏa thuận/hợp đồng cọc hoặc ký hợp đồng mua bán theo ý chí của họ và theo đúng thời hạn họ đưa ra hoặc là bạn sẽ mất toàn bộ số tiền đã chuyển cho họ. Lúc đó về tâm lý khi bạn không muốn mất số tiền đã chuyển cho họ và vẫn có nhu cầu mua nhà/đất, thì bạn sẽ chấp nhận ký thỏa thuận/hợp đồng cọc hoặc hợp đồng mua bán, thì chính thỏa thuận/hợp đồng cọc hoặc hợp đồng mua bán này sẽ có nội dung bẫy tinh vi tiếp theo (bẫy 3) để buộc bạn phải xuống tiền thanh toán tiếp, cứ như vậy bạn bị bẫy và vào tròng của kịch bản lừa đảo và tại sao họ làm được như vậy.

Lý do đơn giản là khi tiền vào tay họ rồi, thì họ mới đưa ra các thỏa thuận/hợp đồng hoàn toàn theo ý chí đơn phương của họ, theo mẫu của họ và chắc chắn sẽ bất lợi cho bạn hoàn toàn, rồi họ nói bạn/anh/chị ký đi. Có những hợp đồng rất dài lên tới vài chục trang, có nhiều định nghĩa, đọc rất mơ hồ, không rõ ràng về chủ thể/chủ đầu tư/bên bán, đối tượng và nội dung của hợp đồng không rõ ràng, thế là bạn ngại đọc, chủ quan rồi ký đại cho xong. Không ký thì họ nói là “nếu không ký thì anh/chị sẽ mất toàn bộ tiền anh/chị đã chuyển cho công ty theo thỏa thuận trước đó, ký đi rồi ít hôm em bán lại cho kiếm lời…” rồi môi giới/bên bán dụ tiếp và thôi thúc bạn để ký. Giả sử bạn đọc kỹ hợp đồng này thấy bất lợi, rồi bạn không ký và yêu cầu lấy lại tiền đã chuyển. Khi đó họ viện dẫn thỏa thuận trước đó, nói bạn vi phạm và thách thức bạn khởi kiện/tố cáo. Nhưng với số tiền đã chuyển không nhiều cho họ, thì nhiều người chấp nhận và không kiện, không làm lớn chuyện, thế là chấp nhận mất tiền oan.

Nhưng đồng thời hoặc ngay sau khi ký xong, thì thường là bên bán/môi giới dụ bạn và yêu cầu bạn nộp/thanh toán luôn số tiền đợt 1 chiếm 10% đến 30% giá trị hợp đồng, rồi thì lập tức hợp đồng/thỏa thuận này có hiệu lực và bẫy mới trong hợp đồng này sẽ từ từ xuất hiện. Khi đến hạn trong hợp đồng/thỏa thuận, họ tiếp tục yêu cầu bạn phải thanh toán đợt tiền tiếp theo như đã thỏa thuận, còn nếu không thanh toán thì bạn sẽ bị mất toàn bộ số tiền đã thanh toán trước đó theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng/thỏa thuận. Rồi bạn lại sợ bị mất tiền, nên tiếp tục thanh toán, cứ như vậy cho đến khi một ngày bạn không còn khả năng thanh toán nữa, bạn không vay được ngân hàng để thanh toán đúng theo tiến độ hoặc cho đến khi bạn phát hiện ra hồ sơ pháp lý của Dự án hoặc nhà/đất bạn mua không đầy đủ pháp lý, bên bán không chính chủ, hợp đồng ký quá bất lợi và không biết đến lúc nào mới được nhận nhà/đất và nhận được giấy chủ quyền hoặc khi bạn phát hiện ra có nhiều việc bất thường của bên bán/bên môi giới. Lúc này bạn mới hiểu bạn bị bẫy, bị cài và bị lừa toàn bộ số tiền đã thanh toán.

Rồi đến lúc này bạn mới đọc kỹ hợp đồng, mới tìm hiểu pháp lý dự án/lô đất/căn nhà trên hợp đồng, đi hỏi luật sư, đi đến vị trí đất để xem và hỏi giá trị thật sự của miếng đất và bạn mới biết rõ là bị lừa (bẫy) như thế nào, gồm bẫy để chuyển tiền đợt đầu, bẫy để ký hợp đồng/văn bản và các hợp đồng/văn bản chính là bẫy. Khi bạn nhận ra, thì đã quá muộn, dĩ nhiên Luật sư và người hiểu biết pháp luật sẽ có cách/phương án để giúp bạn đòi lại công bằng, nhưng rất khó, rất lâu và rất gian nan để có thể thực hiện và khôi phục lại quyền lợi của bạn như lúc đầu và rất khó để bạn không bị thiệt hại gì (ít nhất khi bạn lấy lại được tiền thì bạn phải mất tiền phí Luật sư, án phí, chi phí tố tụng, phí thi hành án,… và mất nhiều thời gian công sức giải quyết). Vậy đó, bút sa gà chết, bẫy của bẫy nằm ở thủ đoạn này.

Theo đó, tôi khuyên đừng tin bên môi giới/chủ đầu tư/bên bán nói/hứa mà hãy đọc kỹ cái họ viết/soạn trước khi ký bất cứ văn bản/thỏa thuận nào với họ, đọc không hiểu thì đừng đọc và đừng ký. Đừng bao giờ xuống tiền trước, rồi ký sau mà bắt buộc phải đọc thật kỹ rồi mới ký, đọc không hiểu thì tìm người khác (như luật sư) đọc hộ, rồi đàm phán/sửa/bổ sung hợp đồng/văn bản và thấy đúng ý chí của mình rồi thì mới ký và ký xong mới xuống tiền và thực hiện. Sai quy tắc này là chết, đừng nghĩ rằng công ty lớn/có uy tín là không cài bẫy trong hợp đồng, thậm chí tôi đã gặp nhiều công ty lớn/uy tín nhưng vẫn bẫy mà bẫy rất tinh vi nữa là đằng khác.

Thủ đoạn 6: Tìm mọi cách để bẫy và đổ lỗi cho người mua nhà/đất vi phạm hợp đồng/thỏa thuận đã ký và chiếm luôn số tiền cọc/tiền đã thanh toán

Hợp đồng/thỏa thuận là các dạng văn bản pháp lý rất phức tạp, đặc biệt là về bất động sản. Nếu bạn không phải là các chuyên gia pháp lý thì rất khó để bạn hiểu được thế nào là hợp đồng có hiệu lực, hợp đồng vô hiệu, hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, điều kiện để công nhận hợp đồng/thỏa thuận, buộc các bên phải tiếp tục thực hiện hợp đồng,..? Nên nếu bạn không nắm rõ, thì gần như là bạn sẽ bị bất lợi toàn tập hoặc thậm chí bạn đã vi phạm hợp đồng với bên môi giới/bên bán ngay sau khi bạn ký hợp đồng nhưng bạn không biết. Trong khi chính bên bán/bên môi giới đã bẫy bạn để ký thỏa thuận/hợp đồng và ngay trong hợp đồng/thỏa thuận đã bị cài và chứa nhiều bẫy.

Trường hợp, nếu bạn thực hiện hợp đồng đúng hết và chính họ mới là bên vi phạm thì họ sẽ tìm cách lừa/dụ bạn để ký các phụ lục hoặc ký thỏa thuận sửa đổi/bổ sung hợp đồng để có lợi hơn cho họ mà bạn không biết hoặc bạn không để ý hoặc không quan tâm đến. Ví dụ tôi đã từng gặp các phụ lục/thỏa thuận sửa đổi hợp đồng/thỏa thuận theo dạng biến hợp đồng đặt cọc thành thỏa thuận mua bán hoặc ngược lại theo từng giai đoạn và tiến độ thanh toán tiền; hoặc biến hợp đồng mua bán/đặt cọc nhà/đất thành thỏa thuận vay mượn tiền, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng hợp tác/đầu tư; biến các nội dung bên bán vi phạm thành trường hợp bất khả kháng, sự kiện khách quan hoặc do chính sách,…, thậm chí bên môi giới/chủ đầu tư/bên bán còn không giao cho khách hàng các bản phụ lục/bản sửa đổi này, chỉ khi có tranh chấp bên mua mới biết được là mình có ký/viết họ tên.

Việc này chứng minh rằng bên môi giới/chủ đầu tư/bên bán luôn chiếm lợi thế và luôn luôn cài bẫy bạn trong thỏa thuận/hợp đồng nếu bạn không phải là người soạn hợp đồng. Do vậy, khi tranh chấp xảy ra, khi bạn liên hệ với họ yêu cầu họ giải quyết quyền lợi, thì họ luôn đưa ra đủ các căn cứ/điều khoản trong hợp đồng/thỏa thuận mà bạn đã ký để chứng minh bạn đã vi phạm thỏa thuận/hợp đồng nhằm chiếm đoạt hết số tiền mà bạn đã thanh toán/đặt cọc đến lúc đó. Tôi thường thấy có các nội dung bị cài bẫy để bên mua vi phạm là “bên mua vi phạm….., thì bị mất cọc/bị phạt…. hoặc mất toàn bộ số tiền đã thanh toán cho bên bán…”. Khi họ dựa vào hợp đồng/thỏa thuận này để chứng minh và viện dẫn đúng điều/khoản bạn vi phạm, thì một mặt họ sẽ có đủ chứng cứ và cơ sở làm cho bạn thấy bạn đã vi phạm (có lỗi) để bạn nhụt ý chí mà không kiện/tố cáo họ ra Tòa án hoặc công an. Mặc khác khi làm việc với bạn, họ còn tỏ thái độ là họ làm đúng luật, không vi phạm hợp đồng, thậm chí họ còn thể hiện là họ có người này nọ bảo kê chống lưng và họ thách thức bạn tố cáo công an và kiện ra Tòa án. Ý của họ là nếu bạn kiện/tố cáo, thì họ sẽ theo chứ cương quyết và không chấp nhận mọi yêu cầu giải quyết của bạn trong trường hợp này. Đến đây chắc bạn đã hiểu tại sao mất trắng số tiền đã thanh toán chưa?

Vậy đấy, nếu bạn bị lừa dối (bẫy) để ký hợp đồng/thanh toán tiền rồi, thì bạn có căn cứ, sơ sở và đủ can đảm nhằm lấy lại được tiền không? Bạn có đủ can đảm và có đủ tiền để thanh toán tiếp từng đợt để chờ nhận giấy chủ quyền và nhận nhà/đất như họ hứa/viết trong hợp đồng không? Quá trình tiếp xúc và tư vấn luật cho nhiều khách hàng, tôi chứng kiến đa phần các khách hàng bị lừa và bị chiếm đoạt từ 50 triệu đến vài trăm triệu. Nhưng thực tế nhiều khách hàng đã bỏ cuộc không khởi kiện/tố cáo, một số khách hàng muốn làm tới cùng, nhưng lại không biết làm bằng cách nào hoặc muốn làm nhưng lại không có tiền hoặc tiếc tiền để thuê luật sư và đóng án phí,…, chỉ có số ít khách hàng quyết tâm và đầu tư công sức, tiền bạc để làm cho đến cùng với mong muốn để lấy lại công bằng và ngăn chặn việc công ty môi giới/bên bán/chủ đầu tư tiếp tục lừa người khác nữa. Và bạn cũng thấy rồi, người quyết tâm và kiên trì, thì thường sẽ là người chiến thắng.

Cuối cùng, tôi mong rằng nội dung tôi viết, phân tích và chia sẻ của tôi nêu trên sẽ phần nào giúp bạn có thêm kinh nghiệm/kiến thức khi mua bất động sản, đặc biệt là người lần đầu đi mua nhà/đất và không bị rơi vào hoàn cảnh trắng tay, mất tiền học khôn và mất niềm tin vào công lý và pháp luật.

Các thủ đoạn trên rất tinh vi và có nhiều người còn gọi vui là “lừa đảo hợp pháp”. Mặc dù nhiều người đã biết, báo chí truyền thông biết và các cơ quan nhà nước biết, nhưng vẫn không làm gì được và vẫn chưa có giải pháp nào để ngăn chặn được người nghèo/người ít kiến thức bị lừa đảo theo cách này. Do vậy, gần đây mặc dù báo chí truyền thông đã phản ánh/bóc phốt nhiều vụ việc, nhưng cách thức lừa đảo này vẫn tồn tại rất nhiều do lợi nhuận/doanh thu lớn mang lại. Do vậy, trước khi mua/đầu tư nhà/đất, thì chính bạn phải trang bị kiến thức xã hội và pháp lý cho chính mình để tránh bị lừa đảo. Chúc các bạn thành công và may mắn.

Tác giả bài viết: Luật sư Vũ Văn Tiến  (Giám đốc Công ty Luật TNHH Olympic – Điện thoại liên hệ: 0989 863 966). Viết và phát hành (Post) ngày 18/9/2022

Lưu ý: Nội dung bài viết của tôi nêu trên chỉ nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật đến quý khách hàng để tham khảo chung, không phải là nội dung tư vấn nhằm giải quyết các nhu cầu pháp lý cụ thể của từng khách hàng. Nếu khách hàng nào vướng mắc hoặc gặp phải đúng vấn đề nêu trên, thì vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí. 

Điện thoại và Zalo tư vấn miễn phí: 0989 863 966 (Luật sư Tiến) –Emailtien.vu@olympiclaw.vn

Bài viết khác